-
-
-
Tổng cộng:
-
Dành trọn sự nghiệp cho đào tạo và phát triển nghề làm đẹp
Đó là tâm sự của bà Đỗ Thị Diệu Hoa - Nữ chủ tịch tài năng, xinh đẹp và đầy bản lĩnh với Tạp chí Thời Trang Trẻ nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu.
Đến với nghề chăm sóc sắc đẹp như một cơ duyên, kiên trì theo đuổi, cũng như hăng say mang đến thật nhiều cơ hội cho người trẻ, chị Đỗ Thị Diệu Hoa - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Thẩm mỹ Ý My, Chủ tịch Liên Hiệp Spa, Tóc và Thẩm mỹ Việt Nam chia sẻ vẫn cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày. Cùng Tạp chí Thời Trang Trẻ trò chuyện với vị Chủ tịch xinh đẹp và bản lĩnh nhân ngày đầu Xuân Đinh Dậu.
Được biết trong cương vị Chủ tịch Liên Hiệp Spa, Tóc và Thẩm mỹ Việt Nam, năm 2016 vừa qua chị có rất nhiều hoạt động đóng góp cho ngành, chị có thể chia sẻ với độc giả Thời Trang Trẻ?
Trong hơn một năm qua hội đã kết nạp được hơn 800 thành viên mới. Tuy còn khá non trẻ nhưng chúng tôi đều cảm thấy tự hào khi đã gặt hái được những thành công nhất định như mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong đào tạo, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ mới cho các thành viên. Các hoạt động của Liên Hiệp được diễn ra thường xuyên mỗi quý 1 lần, trở thành sân chơi để các anh chị em trong ngành làm đẹp học hỏi, cập nhật công nghệ mới cũng như tự thể hiện sự khéo léo, tài năng của mình.
Trong năm qua, với tư cách là chuyên gia trưởng Quốc gia Nghề chăm sóc sắc đẹp tôi đã hướng dẫn, đào tạo, dẫn đoàn thí sinh Việt Nam dự thi ASEAN Skill 2016 và đạt được Chứng Nhận Xuất sắc.
Riêng về các hoạt động nổi bật của Hiệp Hội trong năm qua, có thể kể đến là sự kiện sinh nhật 1 năm của Hội tổ chức vào ngày 6/6/2016 tại Hà Nội với sự tham gia của 400 thành viên và đại diện hiệp hội đến từ các nước Nhật, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan... Dấu mốc quan trọng tiếp theo là việc Liên hiệp Spa, Tóc và Thẩm mỹ Việt Nam bắt đầu gia nhập vào Hội làm đẹp Việt Nam với tên gọi mới là Chi hội đào tạo phát triển nghề làm đẹp VN.
Vừa qua vào đầu tháng 1/2017, nhân sự kiện tổng kết hoạt động năm 2016, Hội cũng tổ chức hội thảo khoa học mang tên Giải pháp làm đẹp đón Xuân 2017 và nhận được sự góp mặt của đông đảo các chủ Spa làm đẹp trong cả nước.
Bà Đỗ Thị Diệu Hoa trong vai trò giám khảo tại Gala Black & White
Tham gia lĩnh vực giảng dạy trong ngành làm đẹp từ rất lâu. Vậy chị có thể chia sẻ chặng đường đến với nghề?
Có thể nói nghề chọn tôi, chứ tôi không chọn nghề.
Khi còn là một cô sinh viên, tôi mơ ước trở thành một nhà Ngoại ngữ - Ngoại giao. Tuy nhiên sau khi lập gia đình, gia đình chồng muốn tôi ở nhà nội trợ, thu vén gia đình.
Sau khi sinh con thứ hai, tôi được nhận vào Sở Du lịch Đà Nẵng. Công việc đang thuận lợi thì tôi đành chia tay công sở vì gia đình. Cùng lúc có người bạn mở trung tâm thẩm mỹ muốn tôi đi học về lĩnh vực làm đẹp để về làm quản lý. Đi học, đi làm rồi tôi mới thấy mình có duyên với nghề và thế là tôi bén duyên từ đó. Một năm sau đó, tôi tách ta làm riêng và cái tên Ý My bắt đầu được nhân rộng từ đó.
Năm 1997, tôi mở một show room đầu tiên bán hàng với khoảng gần 1000 sản phẩm và 5 giường. Năm thứ 2 tôi lên 7 giường và cứ thế tăng lên theo mỗi năm. Đến năm 2006, chính thức thành lập công ty TNHH Ý My và Trung tâm Đào tạo nghề Thẩm mỹ. Từ 2006 - 2008, tôi đã có trong tay 5 chi nhánh dạy nghề tại Đà Nẵng - đây cũng là đơn vị tư thục dạy nghề đầu tiên ở khu vực miền Trung Tây Nguyên. Sau đó mở rộng liên kết ra các tỉnh trong cả nước. Từ đây hàng nghìn học viên đã được đào tạo và cũng nơi đây nhiều tài năng trẻ của đất nước cũng được phát hiện.
Năm 2008, Ý My là đơn vị đầu tiên đưa thí sinh tham dự Vietnam Skill và nhận về giải nhất. Từ đó, được sự tín nhiệm của lãnh đạo Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tôi tiếp tục giữ vai trò chuyên gia quốc gia đưa các thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề quốc tế và cùng các em liên tục giành được nhiều giải thưởng lớn cũng như tạo dựng ấn tượng, ghi danh trên đấu trường quốc tế về ngành làm đẹp.
Từ năm 2016, Thủ tướng chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi Quốc gia khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Chị có thể chia sẻ mục tiêu, định hướng mà Chi hội phát triển nghề làm đẹp VN đặt ra trong năm tới cho nhiệm vụ này?
Về nhiệm vụ này, Hội vẫn đang từng bước thực hiện các mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn để hoàn thành. Tầm nhìn của ngành làm đẹp từ năm 2010 đến nay chính là vươn tầm Asean và quốc tế. Thứ hai là Khỏe – An toàn - Hiệu quả. Theo đó, từ năm 2017, các ban chuyên môn từ da, trang điểm thẩm mỹ, thiết kế tạo mẫu tóc, nail art… sẽ được phân tách để có thể chủ động quản lý chặt chẽ, lên kế hoạch đào tạo, phát triển chăm sóc thành viên của mình trên cả nước. Dài hơi hơn là chiến lược đến năm 2020, Hội sẽ theo sát việc xây dựng mô hình mẫu đạt chuẩn và quy chế an toàn trong ngành làm đẹp, đồng thời xây dựng nhận diện thương hiệu đạt mẫu trên cả nước.
Vậy quy chuẩn sẽ được xây dựng và xem xét như thế nào thưa chị?
Khi các ban đã được thành lập, Chi hội sẽ xây dựng ban chuyên môn đánh giá tiêu chí bao gồm các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Sau đó sẽ soạn thảo và trình duyệt để được xem xét. Sau khi được kiểm duyệt, bộ tiêu chí về quy chuẩn nghề sẽ được ban hành rộng rãi trên cả nước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho ngành làm đẹp. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có định hướng chính xác, đặc biệt là trong giới thanh niên. Vậy hiện tại Hội có điều hướng gì cho đối tượng này không thưa chị?
So với vị trí thứ 5 vào năm Asean năm 2008, nghề làm đẹp Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 với tiềm năng phát triển to lớn. Trong đó, không thể không kể đến sự gia nhập của giới thanh niên trong việc phát triển nghề. Tuy vậy, để nhân rộng cơ hội cho Thanh niên khởi nghiệp việc cần thiết là tạo tiếng vang về ngành, nghề thông qua truyền thông cũng như đem đến những cập nhật về lĩnh vực làm đẹp thông qua các hội thảo làm đẹp tại địa phương và các trường đại học để sinh viên nghe, thấy, cảm nhận. Và có thêm sự lựa chọn nghề nghiệp mà không cần qua con đường Đại học.
Còn về thị trường mỹ phẩm chăm sóc da, chị đánh giá như thế nào thưa chị?
Hiện nay, mỹ phẩm việc xuất hiện ngày càng tràn lan các sản phẩm nhập lậu trôi nổi không chỉ là nỗi trăn trở của người tiêu dùng trong việc phân biệt và lựa chọn sản phẩm chất lượng, phù hợp mà còn gây khó cho các chủ Spa trong việc giải thích với khách hàng về mức giá chênh lệch thị trường.
Để từng bước có được một thị trường mỹ phẩm sạch, theo tôi cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ nhiều phía. Trước tiên là sự đồng hành của các ban ngành có thẩm quyền trong việc quản lý xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, bản thân bạn phải là người nói không với các sản phẩm mỹ phẩm không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Riêng với vai trò của mình, Hội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ spa trong việc nói không với các sản phẩm trôi nổi, từ đó hàng trôi nổi sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường.
Trân trọng cảm ơn chị!